🔎 Những vấn đề liên quan
Tuy khác nhau ở chỗ miền Bắc có có bốn mùa Xuân – Hạ -Thu – Đông và miền Nam chỉ có mùa khô và mùa mưa nhưng người nuôi cá cảnh đều có một mối lo chung đó là bệnh cá khi giao mùa .
Giao mùa cũng là dịp để Dương Bắc viết bài này để gửi tặng mọi người . Ở đây mình sẽ không đi sâu vào phân tích quá trình phát triển hay một chu kì hoạt động của vi khuẩn cụ thể nào mà chỉ truyền đạt và chia sẻ kinh nghiệm qua mô tả hiện tượng và hướng dẫn phương pháp phòng bệnh nhằm giảm thiểu rủi ro cho người chơi cá cảnh .
Thời gian giao mùa thường rơi vào khoảng cuối tháng 3 tới đầu tháng 5 và cuối tháng 9 tới giữa tháng 11 hàng năm. Khi chuyển mùa điều kiện thời tiết , nhiệt độ không khí thay đổi nó sẽ tác động trực tiếp lên quần thể vi sinh trong hồ cá , nó có thể kích hoạt hoặc kết thúc chu kì mới cho vi sinh có lợi hoặc có hại .
Bình thường một chu kỳ hoạt động của vi sinh trong hồ cá được mô tả : sau một thời gian nuôi thả cá nước đã ổn định bởi tác động của những vi sinh có lợi thêm vào đó hệ đệm được bổ sung qua thức ăn , vật liệu lọc và quá trình thay nước đều đặn . Ở giai đoạn này môi trường tự cân bằng mọi người dễ dàng thỏa mãn với chế độ chăm sóc nhàn nhã mà mất cảnh giác với những rủi ro chực chờ . Dưới tác động của thời tiết khi giao mùa nó sẽ kích thích quá trình sinh trưởng của nhiều loại vi sinh trong hồ diễn ra nhanh hơn dẫn tới sự kết thúc chu kỳ phát triển của dòng này hoặc khởi phát cho dòng kia . Trong thời gian ngắn tính chất hóa học nước hồ nuôi sẽ thay đổi và hai trạng thái pH quá thấp và sau đó là quá cao là điều dễ nhận biết nhất . Sự thay đổi đột ngột của pH cũng sẽ thay đổi quá trình chuyển hóa sinh học trong cơ thể làm cho cá bị sốc , độc tố trong nước không được sử lí làm mất dần đi sức đề kháng . Kết cục cá sẽ dễ bị nhiễm bệnh hoặc cùng một lúc bị nhiều loại bệnh tấn công ( bội nhiễm )
Để kiểm soát được quá trình này chúng ta cần làm một số việc như sau : Hãy để ý quan sát cá nếu có tình trạng đòi ăn nhiều hơn bình thường và khi hồ nước quá trong sau một vài giờ cho cá ăn , ta nên ngưng không tiếp tục cho cá ăn nữa , nhanh chóng thay 1/2 thể tích nước trong hồ và có thể lặp lại quá trình này trong một vài ngày kế tiếp cho tới khi ta cảm thấy nước hơi có màu bàng bạc đục sau mỗi lần cá dùng bữa . Đối với những hồ không thường xuyên thay nước hoăc quá lâu không thay nước thì ta nên tiến hành thay nước theo tuần tự ngày đầu thay 1/3 thể tích hồ , hai ngày kế tiếp thay 1/ 2 thể tích . Lưu ý quá trình này không nên làm sạch hoặc làm mới hoàn toàn bộ lọc mà hẵng chờ vài ngày sau đó mới nên tiến hành .
Khi hồ nuôi đột ngột chuyển sang đục hơn thường ngày , cá có biểu hiện bỏ ăn hoặc ít hoạt động có thể đó là hiện tượng chúng đang nhiễm bệnh . Khi đó nên bình tĩnh thay 1/2 thể tích bể nuôi bổ sung muối ăn ở khoảng 2 -3 phần nghìn sau 12 giờ thay tiếp 1/2 thể tích và chờ đợi chúng phục hồi . Nếu diễn biến xấu cá bệnh nặng thêm thì ta mới tiến hành bỏ thuốc chữa bệnh . Trong suốt quá trình điều trị chúng ta không nên cho cá ăn bất cứ một loại thức ăn nào , nếu cần có thể cho cá nhịn ăn ( có thể hàng tuần ) Trong quá trình điều trị nếu nhiệt độ bên ngoài xuống thấp ta có thể thêm cây sưởi vào nước và duy trì nhiệt độ khoảng 28- 30 ºC .
Về nguyên tắc phòng bệnh hơn chữa bệnh trong giai đoạn chuyển mùa chúng ta dành nhiều thời gian quan sát chăm sóc cho cá hơn . Khi cho cá ăn nên giảm khối lượng , chọn cho cá những loại thức ăn giàu dinh dưỡng và có chứa những chế phẩm đóng vai trò như hệ đệm giúp nước giữ được mức cân bằng tốt hơn .
Chúc mọi người may mắn !