Những vấn đề liên quan
Bệnh ghẻ (lở) thân, mang cá, còn được gọi bằng nhiều cái tên như: bệnh đốm trắng nước ngọt, bệnh Ích nước ngọt, hay quen thuộc hơn là bệnh lở mình, là một trong những bệnh phổ biến và dai dẳng nhất đối với cá nước ngọt. Nguyên nhân là do động vật nguyên sinh Ichthyophthirius – hay còn gọi tắt là “Ích”.
Loại ký sinh đơn bào này thường xuất hiện dưới dạng các đốm trắng như hạt muối hoặc đường, kích thước khoảng 1 mm, bám lên thân, vây và mang cá. Mỗi đốm là một nang ký sinh trùng. Chúng có thể theo đường cá mới hoặc thiết bị lây nhiễm mà vào hồ, và khi đã “an vị” trong hồ cá thì… rất khó kiểm soát, bởi vòng đời sinh sản nhanh và cách tồn tại rất đặc biệt. Nếu không kịp thời phát hiện, cá có thể tử vong hàng loạt.
Biểu hiện bệnh lý
Ban đầu, cá có thể chỉ có vài đốm trắng li ti kèm nhớt trên da – đây là phản ứng kích ứng. Ký sinh trùng này gây tổn thương mô và khiến cá bị viêm loét hoại tử da. Khi mang cá bị tổn thương thì việc hô hấp của cá cũng trở nên khó khăn hơn do mất khả năng hấp thụ oxy từ nước.
Nếu để lâu, cá đau đớn, kiệt sức, vết loét ngày càng lan rộng, bội nhiễm các loại vi khuẩn khác, rồi mất sức đề kháng và tử vong.
Hình ảnh được cho là cá đang bị nhiễm Ichthyophthirius
Chu kỳ phát triển của ký sinh trùng Ích
Ích có vòng đời ba giai đoạn:
- Giai đoạn bào nang: xâm nhập vào biểu mô da, mang cá.
- Giai đoạn ăn sâu và phát triển trong cơ thể cá.
- Giai đoạn sinh sản: sau khi tách ra, chúng chia nhân nhanh chóng tạo ra khoảng 10 cá thể mới – và tiếp tục chu kỳ.
Chu kỳ phát triển này rất phụ thuộc vào nhiệt độ nước:
- Ở 25°C, chỉ khoảng 7 ngày là hoàn tất vòng đời.
- Ở 6°C, có thể kéo dài đến 8 tuần.
Điều nguy hiểm là có giai đoạn “ngủ đông”: Ích nằm yên chờ đợi khi cá yếu mới bùng phát. Những yếu tố làm cá yếu đi như thay đổi nhiệt độ, nhiễm khuẩn, chất lượng nước kém (ammonia, nitrite, nitrate cao) đều góp phần kích thích sự bùng phát này.
Dấu hiệu nhận biết
Bệnh không dễ nhận ra ngay. Thường phải đến khi vết trắng trên da hoặc mang phát triển khoảng 1–2 mm thì mới nhìn thấy được. Một con cá mới bị Ích có thể chỉ có một đốm nhỏ, rồi lan ra rất nhanh. Dưới kính hiển vi có thể thấy ký sinh trùng màu tối, nhân hình móng ngựa, di chuyển kiểu “nhào lộn”.
Cá bị nhiễm thường có các hành vi:
- Bỏ ăn, thở gấp
- Rùng mình, cọ thân vào vật cứng
- Nằm yên đáy hồ, ít bơi
- Bơi lờ đờ gần mặt nước, trốn trong góc tối
Phương pháp điều trị – chia sẻ thực tế
Bệnh này gây thiệt hại rất lớn cho người nuôi cá, nhất là người mới chơi. Trước đây, có nhiều phương pháp được đề xuất: kháng sinh, thuốc sát trùng, tắm cá, làm sạch từng con… nhưng hiệu quả thấp vì Ích không bị tiêu diệt bởi cách đó.
Năm 1997, một người bạn từ Mỹ mang về tặng mình cuốn Cẩm nang về cá cảnh, trong đó có đề cập cụ thể về bệnh này. Dương Bắc đã thử áp dụng phương pháp trong sách và sau khi thấy hiệu quả, đã chia sẻ lại với cộng đồng cá cảnh tại Việt Nam – có thể nói tôi là người đầu tiên phổ biến phương pháp này tại đây.
Cách chữa đơn giản như sau:
- Dùng 5–6 viên Metronidazole 250 mg cho mỗi 100 lít nước
- Thêm 10 gram muối ăn (NaCl)
- Ngâm toàn bộ cá bị bệnh trong 3–5 ngày
Không cần tách cá ra, có thể ngâm cả hồ nếu đã nhiễm.
Phương pháp này đã được đón nhận rộng rãi , kết quả đến nay rất nhiều người áp dụng thành công .
Cách phòng bệnh
- Luôn vệ sinh hồ sạch sẽ, thay nước đều đặn.
- Tránh để cá bị xây xước, giảm miễn dịch.
- Sau mỗi đợt điều trị bằng kháng sinh, nên quan sát kỹ vì cá lúc đó dễ nhiễm Ích nhất – do cơ thể yếu, da-vây tổn thương sẵn, dễ làm mồi cho ký sinh nhất .