Hệ số chuyển đổi thức ăn FCR trong nuôi cá, tôm

Hệ số chuyển đổi thức ăn FCR trong nuôi cá, tôm

Hệ số chuyển đổi thức ăn (còn hay được người nuôi cá gọi là hệ số thức ăn hay FCR) được hiểu là người nuôi cần tốn bao nhiêu kg thức ăn để có 1 kg tăng trưởng của cá. Công thức tính FCR :

Tổng lượng thức ăn tiêu thụ (kg)

FCR =   ——————————————

Tổng lượng thủy sản tăng trọng (kg)

Ví dụ : FCR = 1,6 tức là người nuôi tốn mất 1,6 kg thức ăn để nuôi được 1kg cá. Nếu người nuôi thả giống cỡ nhỏ, có thể coi tổng lượng giống khi thả lúc ban đầu = 0, nhưng trong một số trường hợp người nuôi thả con giống cỡ lớn (như cá lăng, có khi người nuôi thả giống cỡ 0,5 – 1kg/con), cần phải lưu ý tổng lượng giống thả lúc ban đầu khi tính FCR. Trong nuôi cá, chi phí thức ăn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tất cả các loại chi phí đầu tư (thường từ 50-80%), do đó một sự cải tiến nhỏ trong khâu quản lý thức ăn cũng có thể mang lại lợi nhuận lớn cho người nuôi. Việc giảm FCR luôn là mục tiêu của ngành Nuôi trồng thủy sản trên thế giới và là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người nuôi. Giảm FCR đồng nghĩa với việc giảm chi phí nuôi, giảm ô nhiễm môi trường…và do đó mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho người nuôi cả trước mắt và về lâu dài. Hệ số chuyển đổi thức ăn FCR cao hay thấp phụ thuộc vào các yếu tố như : Mật độ thả, tỷ lệ sống, chất lượng con giống, môi trường nước nuôi, công nghệ nuôi, phương pháp cho ăn, chất lượng thức ăn, động vật ăn thịt ở khu vực nuôi…. Sau đây là một số khuyến cáo giúp người nuôi có thể giảm được FCR trong nuôi thủy sản :

Quản lý môi trường nuôi: Yếu tố quan trọng nhất trong quản lý môi trường nước nuôi đó là giữ cho hàm lượng oxy hòa tan (DO) trong nước đáp ứng nhu cầu của cá, tôm. DO đối với cá nước lạnh cần cao hơn 6mg/l, cá nước ấm cần cao hơn 5mg/l và với tôm cần cao hơn 4mg/l. Oxy hòa tan trong nước cung cấp khí oxy cần thiết cho hoạt động sống của động vật thủy sản, có lợi cho sự sinh sôi phát triển của vi sinh vật hiếu khí, thúc đẩy phân giải các chất hữu cơ, làm giảm các chất độc hại, ức chế hoạt động của vi sinh vật yếm khí có hại, tăng cường sức miễn dịch của cá tôm giúp chúng ít bị bệnh. DO thấp có tác động xấu đến khả năng bắt mồi và tiêu hóa thức ăn của cá. Để giảm hệ số chuyển đổi thức ăn FCR, cần quản lý tốt môi trường nuôi, kiểm tra thường xuyên DO, màu nước. Đối với người nuôi cá lồng, bè trên sông, cần lưu ý khoảng cách giữa các lồng, vệ sinh lồng định kỳ, tạo sự thông thoáng của dòng chảy, tránh lưu cữu mầm bệnh trên vật liệu làm lồng. Để quản lý tốt DO, người nuôi cần lưu ý tăng cường khử trùng dọn bùn đáy ao, tính toán mật độ thả nuôi hợp lí, lựa chọn thức ăn hỗn hợp chất lượng cao, áp dụng kỹ thuật cho ăn khoa học, khống chế sự sinh sôi và phát triển của tảo, nâng cao hiệu quả tăng oxy tự nhiên và bổ sung kịp thời oxy nhân tạo khi cần thiết. Kiểm soát pH, nhiệt độ, nồng độ khí độc NH3, NO2, NO3…thường xuyên cũng chính là cách kiểm tra gián tiếp nồng độ oxy hòa tan trong nước. Việc lạm dụng hóa chất trong xử lý môi trường nước và lạm dụng kháng sinh trong điều trị bệnh có thể cứu được đàn cá, tôm trong thời vụ hiện tại, nhưng về lâu dài sẽ phá hủy môi trường nuôi và dịch bệnh sẽ đến ngày càng nhiều, ở mức độ càng nghiêm trọng hơn. Do đó, cần lưu ý sử dụng các biện pháp sinh học an toàn như dùng các chế phẩm probiotic để làm sạch môi trường. Lưu ý việc tạo môi trường sống sạch, giàu oxy hòa tan là biện pháp phòng bệnh rất hữu hiệu cho động vật thủy sản. Hầu hết động vật sống trong môi trường có đủ oxy hòa tan thường khỏe mạnh, ít bệnh tật.

Lựa chọn con giống có chất lượng tốt : Con giống có chất lượng tốt là con giống sạch bệnh, có tốc độ tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Con giống khỏe mạnh, tốc độ tăng trưởng nhanh sẽ làm cho hiệu quả sử dụng thức ăn tốt và do đó làm giảm được FCR. Ngược lại, những con giống chất lượng kém (cận huyết, dị tật, mang mầm bệnh, còi cọc, không đồng đều…) sẽ dẫn đến hiệu quả sử dụng thức ăn kém và làm cho FCR tăng cao.

Lựa thức ăn chất lượng tốt và sử dụng thức ăn đúng cách : FCR bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trong đó có chất lượng thức ăn và cách cho ăn. Nên chọn các loại thức ăn có tính dẫn dụ cao, có độ tiêu hóa, chuyển hóa cao, có khả năng tăng cường sức khỏe và tỷ lệ sống của cá. Một trong những nguyên nhân làm FCR tăng cao là việc đổ dư thừa thức ăn xuống ao, đặc biệt là trong trường hợp thức ăn chìm, khó quan sát như thức ăn tôm. Trong những ngày môi trường biến động, DO giảm thấp, cá tôm bắt mồi kém, nếu không để ý sẽ bị dư thừa nhiều thức ăn, càng gây ô nhiễm môi trường thêm, cá bệnh nhiều thêm, tỷ lệ chết cao hơn và do đó làm cho FCR tăng cao. Không nên cho ăn no thỏa mãn nhu cầu của cá, chỉ nên cho ăn no tới 80%-85% nhu cầu để đảm bảo chất dinh dưỡng trong thức ăn được cá, tôm hấp thụ triệt để hơn, thải ra ngoài môi trường ít hơn. Đối với các loài cá hiền (không ăn thịt lẫn nhau), việc cho ăn gián đoạn (một số ngày ăn-một số ngày nhịn đói, hoặc một số bữa nhịn đói) nên được lưu ý áp dụng phù hợp cho từng loài. Việc cho cá nhịn đói trong một thời gian thích hợp tạo điều kiện cho việc hấp thụ thức ăn sau đó được tốt hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn và làm giảm FCR. Việc trộn chế phẩm sinh học (enzymes, probiotics, hỗn hợp vitamin, khoáng, chất chiết thảo dược, tỏi…) có thể cải thiện được độ tiêu hóa, phòng ngừa dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ sống của động vật thủy sản và do đó giảm được FCR.

FCR không chỉ phụ thuộc vào chất lượng thức ăn, chế độ cho ăn mà còn phụ thuộc rất nhiều vào việc quản lý trang trại. Do hệ số sử dụng thức ăn bị tác động bởi nhiều yếu tố trong quá trình nuôi nên người nuôi cần ghi chép lại các yếu tố này vào sổ sách để có cơ sở tự xem xét, hoặc nhờ các cán bộ kỹ thuật, có chuyên môn giúp phân tích tìm ra nguyên nhân gây FCR cao. Việc ghi chép còn cho phép người nuôi có thể so sánh vụ nuôi này với vụ nuôi khác, từ đó dần tìm ra các giải pháp tốt nhất để giảm FCR cho trang trại của mình.

Nhóm NCM Dinh dưỡng thức ăn và Nuôi Trồng Thủy Sản

( Nguồn : Học viên nông nghiệp Việt nam – Khoa KHXH )

Để lại một bình luận