BỆNH VI NẤM Ở CÁ ĐĨA CÁCH PHÂN BIỆT VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

…. Những chia sẻ này có thể làm thay đổi khái niệm cũng như quan điểm của đa phần những người chơi cá đĩa tại Việt nam .
Kỷ niệm 30 năm gia nhập bộ môn nuôi cá đĩa Dương Bắc xin trân trọng gửi tặng bài viết này tới những người bạn đã luôn đồng hành cùng web : duongbac 
 A –  Bệnh vi nấm

Trong môi trường nuôi nhốt cá cảnh thường nhiễm một số loại vi nấm bệnh gây tổn thương cho vi ,kì,da vảy nếu  nặng hơn có thể gây tử vong cho cá ,dễ dàng lây lan .Phổ biến gồm các loài :

1. Saprolegnia spp.(Nấm mốc nước ngọt hay còn gọi là nấm thủy mi hay nấm bông gòn)

  • Phổ biến nhất trong môi trường nước ngọt.
  • Tồn tại sẵn trong bể, tấn công khi cá bị xây xát, stress hoặc hệ miễn dịch yếu.

 Triệu chứng:

  • Mảng trắng bông như gạc, mọc ở da, mang, mắt hoặc vây.
  • Vết thương thường bị rách hoặc sưng tấy.
  • Cá bơi lờ đờ, đôi khi cọ mình vào thành bể hoặc đá.

 Hình ảnh  vi nấm Saprolegnia spp trên cá ông tiên  , cá hồ rong …( Ảnh sưu tầm )

2. Achlya spp.

  • Tương tự Saprolegnia, nhưng thường gây bệnh mạnh hơn và xâm nhập sâu hơn vào mô cá.

Triệu chứng:

  • Mảng nấm dày hơn, màu xám nâu hoặc xanh rêu.
  • Thường tấn công vào trứng cá hoặc cá non yếu.
  • Gây chết nhanh nếu không phát hiện kịp thời.

Hình ảnh được cho là cá bị nhiễm vi nấm Achlyas spp  ( Ảnh sưu tầm )

B – Phương pháp điều trị :

1. Tắm thuốc tím (Potassium permanganate – KMnO₄)

  • Liều lượng: 2–4 mg/L, trong 30–45 phút
  • Cách dùng: Tắm riêng trong bể nhỏ, có sục khí nhẹ
  • Hiệu quả cao với nấm và ký sinh trùng ngoài da

2. Methylene blue

  • Liều lượng: 1 ml thuốc ( dd 2.3%) cho 10 lít nước .

( Dung dich 2.3% tức là dùng 2.3 gam Methylene blue + nước lọc = 100ml )

  • Thời gian ngâm: 4–6 giờ, hoặc dùng liều nhẹ trong bể chính 3–5 ngày
  • Có thể diệt nấm trên da, mang và cả nấm trứng

3. Muối hột (NaCl không iod)

  • Liều lượng: 2–5 g/L ( hay tương đương 0.2-.0.5 % )
  • Cách dùng: Tắm ngắn hạn 30 phút hoặc ngâm dài 1–3 ngày ở liều thấp hơn .
  • Lưu ý: Không dùng cho cây thủy sinh hoặc lọc vi sinh nhạy cảm

4. Thuốc chuyên trị nấm

  • Furan-2, Pimafix, Fungus Cure, JBL Fungol…
  • Thường kết hợp kháng khuẩn và kháng nấm để tăng hiệu quả trong điều trị .

  5 . Kết hợp phòng và điều trị .

Biện pháp Vai trò
Thay nước đều đặn Giảm ô nhiễm, ổn định môi trường
Tăng nhiệt độ (30–31°C) Ức chế hoạt động của vi nấm
Bổ sung vitamin C/E Tăng miễn dịch cá
Cách ly cá bệnh Tránh lây lan cho đàn
Vệ sinh bể, loại bỏ thức ăn thừa Giảm nấm và vi khuẩn sinh sôi

Hình ảnh hiếm hoi cá đĩa bị nhiễm nấm Saprolegnia spp ( ảnh sưu tầm )

Trong suốt quãng thời gian 30 năm tiếp xúc và quan sát  Dương Bắc nhận thấy các chủng Vi nấm  ( Saprolegnia, Achlya) hiếm khi hiện diện ở loài cá đĩa  mà chủ yếu nhìn thấy ở những loài cá khác như cá ông tiên  , cá hồ rong , thậm chí cả trên cá tai tương châu phi ….
Chắc nhiều người sẽ thắc mắc : Cá đĩa không bị nấm ? Vậy thì nó bị cái quái gì ?
Vâng ! Ngoài những triệu chứng kể trên thì cá có thể đang mắc phải một số bệnh khác và đây là lời giải đáp :
C – Cách phân biệt cá bị nấm với các bệnh khác .

Từ trước tới nay đa số người nuôi đều cho rằng : Cá có lớp màng trắng là bị nấm ( mặc định ) – tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng và đôi khi việc chuẩn đoán sai làm cho việc điều trị kém hiệu quả . Hiện tượng này thường được mô tả như sau:

  • Cá có lớp màng trắng đục hoặc hơi vàng, giống như phủ keo hoặc sữa loãng trên da
  • Có thể xuất hiện ở một bên thân, vùng đầu, lưng hoặc gần vây
  • Cá có dấu hiệu bơi chậm, cọ mình, kém ăn hoặc đứng yên ở góc hồ.

Vậy thực chất đó là gì ?  Và đây có thể là 1 trong 3 tình trạng :

1. Tăng tiết dịch nhầy

  Nguyên nhân điển hình:

Nguyên nhân Ví dụ cụ thể
Ký sinh trùng ngoài da Ichthyobodo, Costia, Trichodina
Nước nhiễm clo hoặc kim loại nặng Nước máy , nước giếng không xử lý kỹ
pH dao động hoặc thay đổi nước đột ngột Tăng/giảm pH nhanh gây sốc cho cá
Dư lượng hóa chất hoặc ô nhiễm Khử trùng, kháng sinh,nhiễm khuẩn

2. Nhiễm ký sinh trùng ngoài da

Gây kích ứng biểu bì, khiến cá tiết nhiều nhớt và cọ mình liên tục . Một số loài phổ biến:

    • Costia (Ichthyobodo): cá sậm màu, bơi lờ đờ .
    • Trichodina: tạo viền trắng quanh vây, lớp nhớt loang lổ
    • Chilodonella: nhớt đục từng mảng, cá nổi đầu

3. Vi nấm  ( Saprolegnia, Achlya) thực sự.

  • Xảy ra sau chấn thương, xây xát, trầy vây da hoặc nhiễm trùng
  • Tạo mảng trắng xù xì, xốp như bông gòn, dễ thấy hơn là màng nhớt
  • Thường bám tại chỗ cố định – không lan toàn thân như dịch nhầy

Cách phân biệt thực tế bằng trực quan :

Dấu hiệu Nấm thật (Saprolegnia spp…) Tăng tiết nhớt Ký sinh trùng
Màu sắc Trắng như bông gòn Trắng đục/mờ mịn Trắng loang lổ
Cấu trúc Dạng sợi, xù Màng phủ, sệt Vết loang kèm cọ mình
Hành vi cá Không cọ mình Có thể đứng yên, stress Cọ thân liên tục
Tốc độ lây Trung bình Nhanh nếu môi trường xấu Rất nhanh
Đáp ứng thuốc nấm Hiệu quả Không hiệu quả Không hiệu quả

4 .Cách xử lý khi nghi ngờ tăng tiết nhớt hoặc ký sinh:

  • Thay 30–50 % nước bằng nước xử lý kỹ
  • Tắm cá bằng muối (3-4 g/L) + methylene blue trong 30–45 phút
  • Sử dụng thuốc trị ký sinh trùng : Nếu cá cọ mình mạnh (Praziquantel, Trichlorfon , Formalin loãng )
  • Dùng thuốc sát trùng : Methylene blue, Malachite green hoặc Fungus cure .
  • Theo dõi:: Nếu lớp màng giảm, cá vận động lại thì  không phải nấm -.Sau 1–2 ngày mà không cải thiện, cần tách cá ra quan sát để xác định rõ nguyên nhân (nấm / ký sinh)

D – Kết luận:

  1. Saprolegnia spp. Achlya spp là những chủng nấm thường gây ra bệnh vi nấm ở cá nước ngọt và chúng thường phát triển trên những tổn thương da trước đó .
  2. Lớp màng nhầy trắng hoặc vàng trên cá Không đồng nghĩa với nhiễm nấm. Nó thường là phản ứng sinh học của cá khi bị kích ứng môi trường hoặc nhiễm ký sinh trùng ngoài da .
  3. Những tổn thương do kích ứng với môi trường hoặc nhiễm kí sinh trùng làm suy giảm đề kháng , phá vỡ lớp bảo vệ ngoài da có thể tạo ra môi trường cho vi nấm phát triển .
  4. Cần phân biệt chính xác tình trạng bệnh tật của cá để có cách xử lý phù hợp , tránh sai sót không cần thiết .

⚠️  Bài viết này chỉ mang tính tham khảo. Không thay thế cho hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ thú y thủy sản. Người nuôi nên cân nhắc kỹ và tự chịu trách nhiệm với các quyết định điều trị.