Cá Tứ vân

Cá tứ vân, cá xecan
– Tên khoa học: Puntius tetrazona (Bleeker, 1855)
– Chi tiết phân loại:
Bộ: Cypriniformes (bộ cá chép)
Họ: Cyprinidae (họ cá chép)
Tên đồng danh: Capoeta tetrazona Bleeker, 1855; Barbus tetrazona (Bleeker, 1855); Barbus tetrazona tetrazona (Bleeker, 1855)
Tên tiếng Việt khác: Cá Mè hổ, Cá Đòng đong bốn sọc
Tên tiếng Anh khác: Partbelt barb; Tiger
Cá tứ vân hay Cá đòng đong bốn sọc, tên khoa học Puntius tetrazona,[1], là một loài Cyprinidae nhiệt đới. Phạm vi địa lý tự nhiên kéo dài trong suốt bán đảo Mã Lai, Sumatra và Borneo, có báo cáo không căn cứ tại Campuchia. Cá tứ vân cũng được tìm thấy ở nhiều nơi khác của châu Á. Cá tứ vân đôi khi có thể bị nhầm lẫn với Systomus anchisporus, có hình dáng tương tự.
Cá tứ vân có thể có chiều dài 7–10 cm (2,75–4 in) và rộng 3–4 cm, (1.18 in), mặc dù chúng thường nhỏ hơn trong điều kiện nuôi nhốt. Cá bản địa có màu bạc đến nâu vàng với bốn sọc thẳng đứng màu đen với vây và mõm màu đỏ. Cá tứ vân xanh cùng kích thước và có tính chất tương tự như cá tứ vân bình thường, nhưng có một cơ thể màu xanh lá cây. Cá tứ vân xanh, thường được gọi là cá tứ vân rêu xanh, có vẻ thay đổi đáng kể trong màu xanh, với nhiều cá thể gần như màu đen. Cá tứ vân bạch tạng có một màu vàng sáng với bốn sọc .

Môi trường sống
Cá tứ vân đã được báo cáo được tìm thấy trong vùng nước nông hoặc đục của dòng chảy vừa phải. Chúng sống trong vùng khí hậu nhiệt đới và thích nước có 6,0-8,0 độ pH, độ cứng của nước 5-19 dGH, và ở nhiệt độ từ 77-82 °F hoặc 25-27,8 °C. Tuổi thọ trung bình của chúng là sáu năm.
Cá tứ vân là một trong hơn 70 loài cá đòng đong có tầm quan trọng thương mại trong thị trường cá cảnh của thế giới .

KỸ THUẬT NUÔI VÀ SINH SẢN CÁ TỨ VÂN

( nguồn : kythuatnuoitrong.com)

Cá Tứ vân là một trong số các loài cá cảnh được ưa thích hiện nay bởi hình dáng và hoa văn (4 sọc đứng) đẹp. Cùng với tập tính bầy đàn hiếu động chúng là quần thể sinh động trong bể nuôi .
– Điều kiện sống: Độ pH trong hồ nên ổn định từ 6,0 – 7,5.
– Thức ăn: Là loài ăn tạp, cá ăn được rất nhiều loại thức ăn dành cho cá cảnh. Lợi dụng đặc tính này, khi sản xuất hay chơi cá Tứ vân nên đa dạng loại thức ăn để cung cấp nguồn dinh dưỡng đầy đủ, cân đối, cá sẽ khỏe và có màu sắc, hoa văn đặc trưng, sặc sỡ hơn. Cá Tứ vân là dòng cá sống bầy đàn rất hiếu động hay ăn hiếp những loài cá nhỏ hơn chúng.
– Giới tính: Cá Tứ vân cá cái thường to hơn cá đực cùng lứa tuổi. Cá cái có bụng tròn hơn, vây lưng màu đen, vây bụng màu đỏ nhạt bình thường trong khi cá đực có mũi màu đỏ sáng, sặc sở hơn bình thường, vây lưng có một đường đỏ sáng.
– Sinh sản:
+ Tuổi thành thục: 6 – 7 tuần tuổi. Khi đó, chiều dài tổng cộng của cơ thể: 2 – 3 cm.
+ Đẻ trứng: cá Tứ Vân đẻ trứng dính, mỗi lần đẻ được 200 – 700 trứng/ á cái, cá thường đẻ vào sáng sớm (nhiệt độ nước hạ), cá thích đẻ trứng vào các bụi cây thủy sinh.
+ Mật độ cho đẻ: tối thiểu 80 lít nước cho mỗi cặp bố mẹ.
+ Kỹ thuật cho cá đẻ khá đơn giản. Sau khi đã chọn được cá bố mẹ để tham gia sinh sản ta có thể kích thích sinh sản bằng cách hạ nhiệt độ nước xuống ở mức 25 độ C giữ ổn định. Cá bố mẹ nuôi cách ly trong vòng khoảng 2 ngày, quan sát khi thấy cá cái bắt đầu đẻ trứng mới cho cá đực vào. Do cá bố mẹ có tập tính ăn trứng, vì thế cần tách bố mẹ ngay sau khi cá đẻ xong. Khi cá đẻ, cá trống thường đuổi theo sau cá mái, khi cá đẻ xong sẽ không còn rượt đuổi hay vờn nhau. Thời gian tái phát dục cá tương đối nhanh, sau 2 tuần cá có thể tham gia sinh sản.
– Ở nhiệt độ bình thường (28 – 30 o C) trứng sẽ nở. Cần loại bỏ trứng hư (trứng có màu trắng đục) để tránh ô nhiễm nước.
II. Kỹ thuật nuôi
1. Xây dựng hệ thống bể nuôi
– Hệ thống bể nuôi Cá Tứ vân phổ biến là bể xi măng: xây tường gạch, tráng xi măng bên trong và nền đáy. Bể phải được lót bạt
– Quy cách bể thường dựa vào quy cách bạt lót, vì bạt có khổ rộng 4 m, để có thể sử dụng vừa và tận dụng hết khổ của bạt thì bể nên có ít nhất một chiều (dài hoặc rộng) có độ dài 2,5 m, chiều còn lại: 2 – 5 m, chiều cao: 0,6 m.
– Hệ thống các bể nuôi được che nắng, mưa bằng lưới. Giàn lưới che cao khoảng 1, 8 – 2 m.
– Ngoài bể nuôi, bạt lót, lưới che, cần trang bị hệ thống ống để cấp, thoát nước, máy bơm nước, máy sục khí (mỗi bể nuôi chỉ sử dung một vòi) và các vợt để vớt cá.
2. Xử lý nước
– Nước sông: nước sông dùng nuôi cá phải có độ pH > 6, không bị ô nhiễm. Ở những vùng bị ô nhiễm cần chọn lúc nước tương đối sạch, thời điểm thủy triều lên đến đỉnh (không phải triều cường). Khi đó, chỉ cần bơm nước vào hồ chứa và để lắng 3 ngày là có thể sử dụng. Nếu cơ sở nuôi không có bể chứa, có thể sử dụng bể nuôi để chứa nước sau 3 ngày thì thả cá vào nuôi hoặc bơm cấp cho bể nuôi khác cần thay nước.
– Nước giếng: nước giếng sử dụng cho nuôi cá phải có độ pH > 5. Trước khi sử dụng, nước giếng cần được lắng kết hợp sục khí ít nhất 2 – 3 ngày để cải thiện độ pH và nồng độ oxy hòa tan.
3. Thả giống
– Nuôi cá Tứ vân thương phẩm có thể bắt đầu thả nuôi từ cá bột 3 ngày tuổi, khi cá có thể sử dụng tốt thức ăn bên ngoài (biết bắt mồi).
– Thả giống vào lúc 9 – 10 giờ sáng, khí hậu ấm áp. Cũng như thường lệ, cần cân bằng nhiệt độ bằng cách ngâm bao cá giống vào bể nuôi ít nhất 20 phút trước khi thả cá ra bể.
– Mật độ nuôi (có sục khí nhẹ, 10 – 12 giờ/ngày đêm):
+ Giai đoạn: cá bột – 1 tháng tuổi: 500 – 600 con/m2.
+ Giai đoạn: 1 – 2 tháng tuổi: 250 – 300 con/m2.
+ Giai đoạn cuối: 2 – 3,5 tháng: 100 – 150 con/m2.
– Thực tế có 2 cách điều tiết mật độ nuôi như sau:
+ Cách 1: Thả cá bột với mật độ 100 – 150 con/m2 nuôi đến khi thu hoạch. Cách này tốn nhiều bể nhưng tiết kiệm được công lao động.
+ Cách 2: Thả cá bột với mật độ 500 – 600 con/m2. Sau đó cứ 1 tháng nuôi sang cá ra để giảm mật độ còn 1 nữa (1/2). Trong 3 – 3,5 tháng nuôi phải sang cá ra 2 lần. Cách này tiết kiệm được bể nuôi nhưng tốn công lao động nhiều hơn.
4. Quản lý và chăm sóc
4.1. Cho ăn
– Loại thức ăn và liều lượng:
+ 1 tuần đầu sau khi thả: cho cá ăn bo bo, liều lượng: 1/4 – 1/2 lon (50 – 70 g) cho 1000 cá bột.
+ Từ tuần thứ hai – 2 tháng tuổi: cho cá ăn trùn chỉ, liều lượng: 1/2 lon (100 – 150 g/ngày/10.000 cá.
+ Tháng thứ 3 trở đi: cá tiếp tục ăn trùn chỉ, liều lượng: 2/3 lon (150 – 200g)/ngày/10.000 cá.
– Cách cho ăn và quản lý thức ăn:
+ Để thức ăn trong đĩa sành có đường kính 20 – 30 cm, đĩa được đặt ở đáy bể hoặc treo gần đáy, đặt 2 – 4 đĩa/bể.
+ Cho cá ăn vào buổi sáng (09 giờ), phải vớt thức ăn thừa vào 14 giờ hàng ngày, không cho cá ăn sau 14 giờ.
4.2. Thay nước
Nhịp độ và tỉ lệ nước thay tuỳ vào điều kiện thời tiết:
– Nhiệt độ trung bình của nước trong ngày > 26 độ C: có thể thay nước 1lần/tuần, mỗi lần thay từ 70 – 100 %
– Nhiệt độ trung bình của nước trong ngày < 26 độ C: hạn chế thay nước: 2 – 3 lần/tháng, mỗi lần thay 50 % – 70 %. Nguồn nước thay phải được chuẩn bị sẳn, kiểm tra độ pH trước khi cấp vào bể nuôi.
5. Phòng trị bệnh
– Bệnh mốc mình:
+ Nguyên nhân: do nấm ký sinh.
+ Triệu chứng giống như nấm thủy mi, tuy nhiên chưa có kết quả nghiên cứu chính thức để định danh loại nấm ký sinh này trên Cá Tứ vân. Cá bệnh có những đốm trắng trên mình, bơi lội khó khăn, nước nuôi có màu trắng đục.
+ Điều trị: tắm cá với muối (muối NaCL dạng tinh thể lớn chưa qua chế biến), nồng độ 10 ppt, tức 10 g muối/ 1lít nước, thời gian tắm: 30 – 40 phút. Hoặc tắm cá với Algacid, 1ml/100 lít nước, thời gian tắm 30 phút, tắm 1lần/ngày, có thể xử lý 1 – 3 lần cho mỗi đợt điều trị.
– Bệnh lỡ loét: Giống như nhiều loài cá khác, bệnh lỡ loét trên cá Tứ vân là kết quả tiếp theo của bệnh nấm ký sinh chưa được điều trị. Tức khi cá bị nấm ký sinh, tạo cơ hội (mở vết thương ngoài da, sức đề kháng cá yếu đi) cho sự xâm nhập tiếp theo của vi khuẩn và gây lỡ loét.
– Việc điều trị chỉ có hiệu quả khi bệnh được phát hiện sớm: cá mới bị nấm ký sinh và tỉ lệ cảm nhiểm càng ít càng tốt. Đến giai đoạn cá bị lỡ loét thì việc điều trị không hiệu quả, hay cá chỉ bị nấm ký sinh nhưng tỉ lệ cảm nhiễm cao (> 50 cá bị nhiễm) thì hiệu quả điều trị cũng hạn chế. Có thể sử dụng Abocin để ngâm cá bệnh, liều lượng: 1g/40 lít nước, thời gian ngâm: 24 – 48 giờ hoặc tăng liều lượng gấp 2 – 3 lần để tắm cá trong 40 phút. Có thể tắm hoặc ngâm cá 3 – 5 lần liên tục cho mỗi đợt điều trị.
– Một số lưu ý:
+ Bệnh chỉ được điều trị hiệu quả ở giai đoạn sớm.
+ Sau mỗi lần xử lý cá bệnh (tắm) cần kết hợp với sát trùng bể bằng Chlorine 30 ppm hay một số hóa chất sát trùng khác trên thị trường.
+ Cần cách ly cá bệnh, bể cá bệnh với các cá khác, bể khác bằng cách sử dụng dụng cụ (thau, vợt, ống cấp thoát nước) riêng biệt.

Trả lời